Khi nhắc tới Nhật Bản, người ta thường dễ dàng hình dung đến hình ảnh những cô gái trong trang phục Yukata rực rỡ sắc màu, hoặc những chàng trai cùng với bộ Kimono trang nghiêm mang đậm tinh thần võ sĩ đạo.
Dần dần theo thời gian, hòa cùng dòng chảy phát triển của đất nước, phong cách thời trang Nhật Bản giờ đây đã có những bước chuyển mình đổi mới theo hướng đa dạng hơn, nhiều màu sắc hơn.
Hãy cùng thời trang Pili khám phá về lịch sử phát triển của thời trang Nhật Bản qua từng giai đoạn và tìm hiểu về một số phong cách thời trang đang thịnh hành gần đây nhé!
Lịch sử của phong cách thời trang Nhật Bản
Thời Edo – thời đại của những bộ Kimono
Từ những năm 1600 đến giữa những năm 1800, người Nhật Bản sử dụng Kimono làm trang phục hàng ngày.
Khác với Kimono ngày nay có màu sắc tươi sáng và họa tiết được thiết kế, may đo tỉ mỉ, những bộ Kimono thời Edo được trang trí đơn giản và mang tông màu trầm lắng hơn.
Thời Minh Trị – chuyển mình theo nét hiện đại của phương Tây
Từ những năm 1868 đến năm 1912, văn hóa phương Tây dần dần du nhập và thay đổi nhiều khía cạnh trong cuộc sống Nhật Bản, bao gồm cả thời trang. Kimono dần dần được thay thế bằng quần áo phương Tây trong những sự kiện trang trọng.
Sáng tạo hơn, có những người đã chọn cách kết hợp cả nét truyền thống của Kimono Nhật Bản và sự hiện đại của phụ kiện phương Tây như ô hoặc túi xách… trên cùng một bộ đồ.
Thời Đại Chính – Hakama lần đầu tiên xuất hiện
Mặc dù kéo dài không lâu, thời đại Taisho (1912-1926) vẫn kịp thời chứng kiến sự ra đời của Hakama – một loại quần truyền thống được mặc ra ngoài Kimono, sử dụng cho cả nam và nữ, và vẫn được ưa chuộng, gìn giữ cho đến tận ngày nay.
Thời Miyuki-zoku/Preppy/Ivy – sự nổi bật của phong cách học đường
Những năm 1960 – 1970, phong cách học đường Ivy League/Preppy được du nhập từ phương Tây và nhanh chóng trở thành xu hướng thời trang chủ đạo của giới trẻ xứ Phù Tang.
Cánh mày râu thường diện áo sơ-mi cùng áo Blazer và quần cotton. Đối với phụ nữ, những bộ váy dài có ruy băng đính sau lưng và khăn trùm đầu được lăng xê vô cùng tích cực.
Nyutora/Hamatora (những năm 1970) – thời trang cao cấp lên ngôi
Thập niên 70 của thế kỷ XX chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thời trang xa xỉ tại đất nước Mặt Trời mọc.
Những chiếc váy xếp ly, áo cánh, khăn lụa và các thương hiệu cao cấp xuất hiện ngày một nhiều như một điều tất yếu cho thấy rằng xã hội đang ngày càng phát triển theo hướng hiện đại hơn và cuộc sống người dân được cải thiện tốt hơn.
Một số phong cách thời trang giới trẻ đang thịnh hành ở xứ Phù Tang
Khác với phong cách thời trang Hàn Quốc được ấn định là những bộ trang phục nhã nhặn, lịch sự với gam màu trầm ấm. Thời trang đường phố Nhật Bản không gói gọn trong bất cứ một một xu hướng cụ thể nào.
Khi nhắc đến streetstyle của giới trẻ Nhật Bản, người đọc dễ dàng hình dung đến nhiều phong cách muôn hình muôn vẻ và đa dạng cá tính khác nhau. Cùng Pili điểm qua một vài phong cách thời trang đường phố được ưa chuộng nhất ở đất nước mặt trời mọc nhé!
Phong cách Lolita
Dựa vào mức độ phủ sóng của Lolita từ trên đường phố cho đến rất nhiều tạp chí thời trang viết về xu hướng này, đây chắc chắn là phong cách Nhật Bản dễ thương chiếm được cảm tình nhiều nhất của giới mộ điệu.
Lấy cảm hứng chủ đạo từ sự xinh đẹp, kín đáo giống như nàng công chúa, Lolita gắn liền trong tâm trí giới mộ điệu với hình ảnh những cô gái trang điểm xinh xắn, mái tóc được uốn cầu kỳ, khoác lên mình chiếc váy xếp lớp bồng bềnh dài đến đầu gối, chân đi đôi giày Mary Janes mang đậm vẻ dễ thương.
Ngoài ra, Lolita còn bao gồm một số xu hướng mở rộng hơn như: Classic Lolita, Punk Lolita, Gothic Lolita, Sweet Lolita, Ouji.
Xu hướng Gyaru
Giữa thời kỳ những năm 1970 khi phụ nữ Nhật Bản được kỳ vọng trở thành những người nội trợ hy sinh vì gia đình, xu hướng thời trang Gyaru xuất hiện như một “bản tuyên ngôn” đi ngược lại với số đông về các định kiến xã hội và tư tưởng cho rằng cái đẹp phù hợp với tiêu chuẩn châu Á là mái tóc đen sẫm cùng làn da nhợt nhạt.
Lấy phong cách quyến rũ đầy nữ tính làm chủ đạo, Garyu tập trung vào việc sử dụng những phụ kiện làm đẹp nhân tạo cực kỳ táo bạo thời bấy giờ như kính áp tròng, lông mi giả, móng tay giả hay những bộ tóc giả,…
Garyu cũng thường được bắt gặp ở những quán bar, hộp đêm như một sự ngấm ngầm thế hiện quan điểm sống phóng khoáng, lấy sự vui vẻ làm cảm hứng hàng đầu của một bộ phận thanh niên Nhật Bản. Cũng vì lý do đó mà phần lớn những người theo tư tưởng truyền thống thường không có mấy thiện cảm đối với phong cách thời trang này.
Giống như Lolita, Garyu bao gồm nhiều xu hướng thiết kế khác nhau, có thể kể đến Amekaji, B-Gyaru, Ganguro, Gyaru mama, Gyaru-o, Hime gyaru, Kogyaru, Ora ora gyaru và Yamanba.
Thời trang Kogal
Nếu là một fan cứng của truyện tranh Nhật Bản, có lẽ bạn sẽ thấy Kogal rất quen thuộc, vì đây chắc chắn là một trong những phong cách Nhật Bản anime phổ biến nhất, được rất nhiều tác giả đưa vào trong bộ truyện của mình.
Phong cách Kogal lấy cảm hứng từ những bộ đồng phục nữ sinh của Nhật Bản, tuy nhiên sự khác biệt nằm ở việc những cô gái theo đuổi xu hướng thời trang này sẽ “biến tấu” trang phục với đặc điểm cực dễ nhận ra là phần chân váy rất ngắn và mang tất cổ cao dáng rộng.
Ngoài hai nét đặc trưng trên, những cô gái Kogal thường chọn cách tẩy trắng mái tóc của mình, kết hợp với gương mặt được trang điểm cầu kỳ. Ngoài ra, bốt đế xuồng, khăn quàng cổ họa tiết kẻ caro, các phụ kiện trang trí đính kèm trên túi xách và điện thoại,…cũng là những nét riêng biệt của thời trang phong cách Kogal.
Phong cách Mori Kei
Khác với Gyaru và Kogal, Mori Kei nổi bật lên với bản chất thiên về vẻ đẹp dịu dàng và tự nhiên. Những người theo xu hướng Mori Kei thường sử dụng các lớp trang phục mềm mại, rộng rãi như váy bồng bềnh hoặc áo len cardigan. Phong cách này cũng ưu tiên các loại vải tự nhiên như vải cotton, vải lanh và sợi len, phối cùng các phụ kiện thủ công có chủ đề về thiên nhiên.
Tông màu chủ đạo của Mori Kei mang sắc thái nhẹ nhàng và trung tính như trắng, kem hoặc các màu pastel. Các cô gái ưa chuộng phong cách này cũng thường trang điểm nhẹ nhàng, kết hợp cùng phần tóc mái được uốn xoăn nhẹ hoặc tóc tết bím đậm nét nữ tính dịu dàng.
Thời trang phi giới tính
Xu hướng thời trang phi giới tính trở nên phổ biến ở đất nước mặt trời mọc vào giữa những năm 2010, cũng giống như phong cách Unisex trên thế giới, xu hướng “genderless” ở Nhật Bản nổi lên cùng với mong muốn vượt khỏi các chuẩn mực giới tính của xã hội trong thời trang để tự tin khẳng định “sắc màu” của bản thân người mặc.
Với mức độ lan tỏa chủ yếu phổ biến ở nam giới, những người đàn ông theo đuổi phong cách phi giới tính thường được liên tưởng tới với vẻ ngoài mảnh khảnh, làn da sáng và gương mặt dễ thương đậm chất “kawaii”.
Bên cạnh đó, với tiêu chí “thời trang là không giới hạn” được đặt lên hàng đầu, xu hướng lưỡng tính ở Nhật Bản cũng gắn liền với những mái tóc được tẩy trắng, nhuộm theo nhiều tông màu khác nhau, và những bộ quần áo mang sắc màu tươi sáng, rực rỡ cùng những phụ kiện trang trí bắt mắt đi kèm.
Pili hy vọng rằng bài viết trên đây của chúng mình đã phần nào giúp bạn có được thông tin hữu ích về chiều dài phát triển của phong cách thời trang Nhật Bản, cũng như những xu hướng thời trang phổ biến hiện nay tại xứ sở hoa Anh Đào. Đừng ngại chia sẻ với chúng mình nếu bạn có thêm bất cứ thông tin thú vị nào khác về những “fashion style” của đất nước hoa cúc nhé!